Tổng quan thị trường lao động việt nam
Thị trường lao động là một trong những kênh chính mà quá trình hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới (cụ thể là WTO) ảnh hưởng trực tiếp ngay đến nước ta. Sở dĩ như vậy vì 3 lý do: Thứ nhất, những thay đổi về việc làm là kết quả của thay đổi cơ cấu kinh tế; Thứ hai, môi trường kinh doanh (nơi tạo ra doanh nghiệp mới và nuôi dưỡng sáng kiến) phụ thuộc chủ yếu vào khả năng tạo việc làm và tăng năng suất của thị trường lao động; và cuối cùng, lao động gần như là tài sản duy nhất mà người nghèo đang sở hữu.
Đánh giá tổng quan thị trường lao động
Nước ta thời kỳ 2001-2020 cho thấy: thị trường lao động tiếp tục được phát triển theo hướng hiện đại hóa và định hướng thị trường; khung khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các kết quả trên thị trường lao động được cải thiện như chất lượng cung tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên.
Tuy nhiên, với bối cảnh của một nước đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới thì sự hình thành và phát triển của thị trường lao động Việt Nam vẫn mang đặc điểm của một thị trường còn nhiều yếu kém. Đó là: lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông nghiệp, khu vực phi kết cấu, năng suất thấp, nhiều rủi ro, tình trạng chia sẻ công việc, chia sẻ việc làm còn phổ biến; về cơ bản Việt Nam vẫn là một thị trường dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bố chưa hợp lý và khả năng di chuyển còn bị hạn chế; cầu lao động thấp về số lượng và vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuất, khu vực làm công ăn lương phát triển chậm; tuy tỷ lệ thất nghiệp khá thấp, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá nghiêm trọng và 2/3 đến 3/4 số việc làm là không bền vững, nguy cơ có việc làm mà vẫn nghèo cao; hệ thống luật pháp về thị trường lao động chưa đầy đủ; cơ sở hạ tầng của thị trường lao động chưa phát triển đồng bộ dẫn đến khả năng kết nối cung cầu lao động kém; có sự mất cân bằng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động, mặc dù thiếu việc làm chiếm tỷ lệ lớn, nhưng một số ngành nghề, địa phương… không tuyển được lao động; thiếu chính sách phù hợp để quản lý di chuyển lao động trong nước và quốc tế; chưa thiết lập hệ thống quan hệ lao động hiện đại dựa vào cơ chế đối thoại, thương lượng hiệu quả giữa các đối tác xã hội; hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao; một bộ phận lớn người lao động chưa được bảo vệ trong thị trường; thị trường lao động bị phân mảng, có sự phân cách lớn giữa thành thị-nông thôn, vùng động lực phát triển kinh tế-vùng kém phát triển, lao động không có kỹ năng-có kỹ năng.
Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là do
chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, chức năng và lộ trình phát triển của thị trường lao động; khung khổ pháp lý cho phát triển doanh nghiệp và thị trường lao động chậm đổi mới tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, phân bổ nguồn nhân lực, thu nhập và chia sẻ rủi ro; các điều kiện để phát triển đồng bộ cung, cầu lao động và gắn kết cung- cầu lao động yếu kém; các thể chế quan hệ lao động và quản trị thị trường lao động còn yếu; huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho phát triển thị trường lao động chưa hợp lý và kém kiệu quả.
Trong bối cảnh lao động toàn cầu hóa ngày nay
Chúng ta tiếp tục có các cơ hội và gặp nhiều thách thức đối với sự phát triển thị trường lao động. Quá trình phân công sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu sẽ kéo theo sự tái phân bố lao động và sự phụ thuộc lẫn nhau của thị trường lao động các quốc gia. Các công ty xuyên quốc gia không chỉ là tác nhân giúp các nước và lãnh thổ kinh tế tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất toàn cầu, mà còn có vai trò là người sử dụng lao động đa quốc gia, sẽ đặt ra những tiêu chuẩn lao động mới, thách thức các khuôn khổ tiêu chuẩn và luật pháp lao động quốc gia. Cạnh tranh quốc tế trong phân công lao động sẽ thúc đẩy cạnh tranh và phân công lao động trong nước, năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ phụ thuộc vào mức độ thành công của tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam (chuyển từ chiến lược dựa vào các ngành sử dụng nhiều vốn, khai thác tài nguyên thô, lao động giá rẻ sang các ngành sản xuất công nghệ cao cho năng suất cao). Trong khi đó bối cảnh trong nước cũng có nhiều thuận lợi đan xen với những khó khăn mới. Đó là: nền kinh tế tiếp tục mở cửa tạo điều kiện phát huy tốt hơn những thế mạnh trong nước nhưng cần khắc phục những hạn chế kìm hãm nhu cầu nội địa và cho xuất khẩu, các tiêu chuẩn hàng hóa sản xuất và tiêu chuẩn lao động trở thành các ràng buộc cạnh tranh, kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao là điều kiện cơ bản để giải quyết việc làm nhưng yêu cầu phải bền vững, thể chế thị trường lao động tiếp tục cần hoàn thiện để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguồn: Dankinhte.vn