Tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông đang là bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp tại Tây Ninh.
Tại Tây Ninh, tình trạng thiếu hụt nguồn lao động phổ thông đang trở nên ngày càng phổ biến và là một trong những bài toán nan giải đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng số lượng lao động lớn.
Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng lao động trong các khu công nghiệp ở Tây Ninh diễn ra khá sôi động, tuy nhiên việc thu hút lao động gặp không ít khó khăn.
Một số doanh nghiệp dù đã đăng tuyển lao động từ khá lâu, tham gia rất nhiều hoạt động hỗ trợ tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của tỉnh, Tỉnh đoàn Tây Ninh… nhưng số lao động được tuyển vẫn thấp so với nhu cầu.
Tìm kiếm lao động, khắc phục vấn đề về thiếu hụt nhân lực trở thành một trong những nỗi lo rất lớn, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
*Khó tuyển dụng lao động
Công ty Trách nhiệm hữu hạn VMC Hoàng Gia (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh có 100% vốn nước ngoài), chuyên hoạt động về lĩnh vực sản xuất giày xuất khẩu đang cần tuyển thêm từ 3.000 đến 4.000 công nhân để mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, việc tuyển dụng công nhân của Công ty đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tương tự, tình trạng khó tuyển dụng lao động cũng đang diễn ra đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Can Sport Việt Nam, 100% vốn đầu tư nước ngoài, có trụ sở tại ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.
Công ty thường xuyên thiếu từ 1.000 đến 2.000 lao động nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác tuyển dụng vì số lượng công nhân bỏ việc, nghỉ việc, nhảy việc vẫn diễn ra hàng ngày.
Ông Tseng Wu Jen, Giám đốc chấp hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pou Hung Việt Nam, có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất giày thể thao xuất khẩu, tại Khu Công nghiệp Chà Là, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện số lao động làm việc tại Công ty đã giảm hơn so với năm 2018 là 1.600 lao động (giảm từ gần 15.600 người năm 2018 xuống còn gần 14.000 người trong năm 2019). Công ty tuyển dụng lao động liên tục nhưng vẫn thiếu khoảng 2.000 lao động.
Đối với các doanh nghiệp trong nước, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông ngày càng khá phổ biến hơn, nhất là lao động thuộc một số ngành nghề đặc thù cần có tay nghề.
Ông Thái Trường Giang – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hải Đăng, có trụ sở tại phường 1, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh (chuyên lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và xây dựng cầu đường) cho biết, hiện Công ty có khoảng 580 lao động chính quy và hơn 800 lao động làm việc theo mùa vụ.
Tuy nhiên, do Công ty hoạt động đặc thù là ngành xây dựng nên việc tuyển dụng lao động luôn gặp khó khăn, mặc dù đã trả lương cao hơn mặt bằng chung của tỉnh từ 30% đến 50% và áp dụng nhiều chính sách đãi ngộ nhưng vẫn khó khăn trong công tác tuyển dụng, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ xây dựng của doanh nghiệp.
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trước mắt, các doanh nghiệp buộc phải cho tăng ca, tăng giờ làm thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và an toàn lao động trong sản xuất.
*Giải pháp lâu dài bền vững
Với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp trên địa bàn, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động ngày càng cao. Vì vậy, bài toán về thiếu hụt lao động đã và đang được các ngành chuyên môn của tỉnh quyết tâm thực hiện thông qua các chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng phòng Dạy nghề, lao động việc làm và an toàn lao động thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện tại nguồn lao động phổ thông của tỉnh đang thiếu hụt nhiều.
Các doanh nghiệp đầu tư vốn FDI cũng đã tìm lao động ở các tỉnh lân cận hoặc ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước mắt, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Tây Ninh đã hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách cung cấp các địa chỉ có nguồn cung lao động dư thừa chưa có việc làm ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn của tỉnh để doanh nghiệp liên hệ tuyển lao động.
Tuy nhiên, muốn tuyển được lao động và giữ chân được người lao động lâu dài, doanh nghiệp phải có chính sách thỏa đáng.
Cụ thể, muốn thu hút lao động ngoài tỉnh, doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư ký túc xá cho công nhân ở ổn định; đối với những lao động ở vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp cần phải tăng cường xe đưa đón hàng ngày.
Theo ông Huỳnh Đăng Khoa, Phó Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Tây Ninh cho biết, một số doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động cần xem xét lại các chính sách về tiền lương, thưởng, các chính sách trợ cấp xã hội, điều chỉnh hài hòa với mặt bằng chung tiền lương của tỉnh. Tiền lương không nên quá chênh lệch giữa các địa phương.
Các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cũng là một trong những yếu tố góp phần rất lớn để giữ chân người lao động.
Ông Huỳnh Thanh Phương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng, muốn giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp buộc doanh nghiệp phải quan tâm, sửa đối các chế độ, chính sách cho người lao động.
Vì hiện nay người lao động có xu hướng dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác, để tìm kiếm cơ hội có thu nhập cao hơn.
Để giải bài toán về nguồn lao động, thời gian vừa qua, tỉnh Tây Ninh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp như tổng hợp nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; đẩy mạnh hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm, thông tin thị trường lao động; tăng cường sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong tuyển dụng lao động cũng như phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đào tạo nghề theo địa chỉ.
Các địa phương có khu công nghiệp cũng quy hoạch, dành quỹ đất riêng để xây dựng nhà ở xã hội và các thiết chế văn hóa, trường học… nhằm thu hút, giữ chân được người lao động làm việc ổn định lâu dài./.
Theo Phạm Thanh Tân/TTXVN
Nguồn: Bnews